Lãnh đạo FPT cho biết trong năm 2020, doanh thu từ hệ sinh thái 77 sản phẩm, giải pháp “Made by FPT” tăng trưởng 51% và hệ sinh thái này sẽ tiếp tục là một trong những động lực tăng trưởng mũi nhọn của tập đoàn trong dài hạn.

FPT vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 theo hình thức 100% trực tuyến thích ứng với bình thường mới.

Tại phiên Đại hội lần này, CEO FPT Nguyễn Văn Khoa đã chia sẻ những câu chuyện thực tế trong năm 2020 giúp FPT vượt bão Covid-19, đảm bảo tăng trưởng doanh thu 7,6% và lợi nhuận 12,8% so với cùng kỳ, tỷ lệ lợi nhuận trả cổ tức năm 2020 đạt trên 40%.

Thông báo với các cổ đông, lãnh đạo FPT cho biết, tập đoàn đã vượt bão Covid-19 thành công, đảm bảo tăng trưởng doanh thu 7,6% và lợi nhuận 12,8% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh Covid-19, ngay những ngày đầu năm 2020, Ban lãnh đạo FPT đã xác định cần tìm những động lực tăng trưởng mới, đảm bảo tăng trưởng bền vững. Trong đó, tối ưu quản trị được xem là một động lực quan trọng.

Trong năm 2020, đã có 31 dự án chuyển đổi số nội bộ liên quan đến tự động hóa, số hóa quy trình nghiệp vụ; quản lý chăm sóc khách hàng; quản lý nhân sự….được triển khai trên toàn tập đoàn và tại các công ty thành viên.

Các dự án chuyển đổi số nội bộ đã giúp FPT và các đơn vị thành viên tiết kiệm 170 tỷ đồng chi phí, hỗ trợ công tác điều hành với các báo cáo được trích xuất theo thời gian thực giúp giảm 98% thời gian thực hiện các báo cáo so với trước đây.

Đặc biệt là đã giúp tập đoàn này tăng năng suất lao động và giảm tỷ lệ nhân viên nghỉ việc. Đơn cử, lĩnh vực dịch vụ viễn thông tăng 25% năng suất lao động của đội ngũ kỹ thuật viên chăm sóc khách hàng; còn ở mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài, tỷ lệ nhân viên nghỉ việc giảm từ 27,2% trong năm 2019 xuống còn 17,5% trong năm 2020.

Vị CEO FPT cũng nhận định, năm 2020 là một năm lửa thử vàng, đặt ra thách thức chưa từng có cho tất cả doanh nghiệp. Song đây cũng là cơ hội chưa từng có cho FPT khi nhiều tổ chức, doanh nghiệp, quốc gia chuyển đổi số, họ đầu tư trung bình 15 tỷ USD mỗi tuần cho chuyển đổi số, cho CNTT trong Covid-19.

Đáng chú ý, năm 2020, dịch vụ chuyển đổi số mang về cho FPT 3.219 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 31% so với năm 2019. Doanh thu từ hệ sinh thái 77 sản phẩm, giải pháp “Made by FPT” đã tăng trưởng 51% và được xem là một trong những động lực tăng trưởng mũi nhọn quan trọng của tập đoàn công nghệ này trong dài hạn.

Ở khía cạnh công nghệ, FPT tập trung phát triển theo 2 hướng là phát triển các nền tảng, công nghệ lõi và gia tăng trải nghiệm khách hàng, hiệu quả vận hành dựa trên công nghệ, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển chuyên sâu các giải pháp dựa trên công nghệ AI, Cloud, Blockchain, Lowcode…

Ở khía cạnh con người, nhân tố quan trọng biến động lực tăng trưởng thành kết quả, FPT đẩy mạnh hơn nữa sức mạnh đội ngũ kỹ sư, chuyên gia có kinh nghiệm chuyên sâu về công nghệ trong các ngành nghề và kinh nghiệm thực tiễn.

Cụ thể, năm 2020, FPT đã thành công trong việc thu hút đội ngũ các tiến sỹ, kỹ sư công nghệ đầu ngành trong các mảng AI, Cloud trên toàn cầu, góp phần tạo giá trị gia tăng cho các dự án trong dài hạn. Đồng thời, tập đoàn không ngừng bổ sung và luân chuyển đội ngũ lãnh đạo nhằm dẫn dắt tập đoàn vượt qua khó khăn, duy trì tăng trưởng.

Thiết lập chiến lược tăng trưởng bền vững với mũi nhọn chuyển đổi số

Báo cáo với các cổ đông về kế hoạch năm 2021, Ban lãnh đạo FPT cho biết, tập đoàn đặt mục tiêu tăng trưởng bền vững với doanh thu tăng 16,4% và lợi nhuận trước thuế tăng 18%, đồng thời tiếp tục đảm bảo tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt ở mức 20%, trong bối cảnh Covid-19 chưa hoàn toàn được kiểm soát. FPT cũng xác định khối công nghệ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với hướng đi mũi nhọn là dịch vụ chuyển đổi số và nhóm sản phẩm, giải pháp “Made by FPT”.

Để đạt được mục tiêu trên, FPT xây dựng các chương trình hành động cân bằng/toàn diện ở cả 3 khía cạnh kinh doanh, công nghệ và con người. Cụ thể, ở khía cạnh kinh doanh, FPT sẽ tập trung cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số toàn diện từ khâu tư vấn đến triển khai; phát triển mở rộng nhóm các giải pháp “Made by FPT”.

Hệ sinh thái “Made by FPT” là động lực để FPT tăng trưởng biên lợi nhuận trong dài hạn
Ban lãnh đạo FPT xác định chuyển đổi số tiếp tục là trọng tâm trong chu kỳ phát triển tiếp theo và hứa hẹn mang về nguồn thu bền vững trong dài hạn.

Lãnh đạo FPT cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo đổi mục tiêu dài hạn Top 50 Công ty hàng đầu thế giới về cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số toàn diện vào năm 2030. Đồng thời, xác định chuyển đổi số tiếp tục là trọng tâm trong chu kỳ phát triển tiếp theo và hứa hẹn mang về nguồn thu bền vững trong dài hạn.

“Chiến lược này được xây dựng dựa trên tiềm năng rộng lớn của thị trường chuyển đổi số toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, cũng như những thế mạnh khác biệt và kết quả tăng trưởng của FPT trong năm 2020”, đại diện FPT chia sẻ.

Tại Việt Nam, việc triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 trên phạm vi toàn cầu sẽ góp phần củng cố sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam cũng như quốc tế trong thời gian tới đây, kéo theo chỉ báo tăng trưởng cho ngành CNTT.

Theo dự báo của Fitch Solutions (Anh), thị trường CNTT Việt Nam gồm dịch vụ CNTT, phần mềm, phần cứng và thiết bị sẽ tăng trưởng khoảng 17% vào năm 2021, đạt 7,3 tỷ USD. Việc ứng dụng các dịch vụ phần mềm và cơ sở hạ tầng đám mây sẽ là một xu hướng nở rộ.

Vì thế, năm 2021, FPT tiếp tục tập trung cung cấp các giải pháp công nghệ mới, chuyển đổi số toàn diện với mục tiêu thách thức tăng trưởng 50%. Đồng thời, chú trọng phát triển các giải pháp “Made by FPT”, với tăng trưởng doanh thu đạt 50% và có thêm ít nhất 10 sản phẩm, giải pháp mới mỗi năm.

Giải đáp thắc mắc của các cổ đông về doanh thu chuyển đổi số đạt được trong năm qua, Phó Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Thế Phương cho hay, doanh thu chuyển đổi số của FPT chủ yếu đến từ nước ngoài. Thị trường trong nước trong năm vừa qua mức độ quan tâm cao lên, nhưng để hiện thực hóa thành những hợp đồng ghi nhận doanh thu vẫn cần thêm thời gian. Do đó, ghi nhận doanh thu chuyển đổi số cho thị trường trong nước còn khiêm tốn.

“Năm nay, FPT vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu chuyển đổi số 30-40%, chủ yếu từ thị trường nước ngoài; trong nước vẫn đang đẩy mạnh làm việc với các công ty VNR 500, mức độ chi tiêu cho CNTT, chuyển đổi số của họ đang cao hơn bao giờ hết sau đại dịch”, ông Phương chia sẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *