I. CĂN BẢN VỀ SÓNG WIFI :

1. Sóng wifi là gì :

Wifi là từ viết tắt của Wireless Fidelity, nó là một hệ thống hoạt động dựa trên sóng vô tuyến không dây (giao thức IEEE 802.11). Wifi cho phép truy cập mạng internet ở một khoảng cách xác định mà không cần kết nối hữu tuyến. Có 6 chuẩn Wifi thông dụng hiện nay đó là a, b, g, n, ac, ax.

2. Các chuẩn sóng wifi :

Sóng wifi hoạt động trên 2 băng tần 2.4Ghz/5Ghz với các chuẩn theo bảng sau :

Riêng chuẩn Wifi AX mới được chính thức giới thiệu vào năm 2019, hỗ trợ trên cả 2 băng tần 5Ghz và 2.4Ghz với băng thông tối đa 10Gbps và độ rộng kênh lên đến 160Mhz.

3. So sánh băng tần 2.4G và 5Ghz :

– Băng tần 2.4Ghz : Hoạt động trên tần số 2.4Ghz, có độ rộng kênh ở chuẩn N ( hoặc AX trên một số router cao cấp) thông thường là 20Mhz và 40Mhz.

+Ưu điểm : Băng tần 2.4Ghz có tầm phủ sóng rộng , độ tương thích cao, giá thành rẻ.

+Nhược điểm : Băng thông thấp, độ ổn định không cao, dễ bị nhiễu sóng. Vì vậy chỉ phù hợp với những dịch vụ không yêu cầu cao về độ trễ như lướt web, xem video…

– Băng tần 5Ghz : Hoạt động trên tần số 5Ghz, hiện tại thông dụng nhất trên các chuẩn N và AC, AX với độ rộng kênh 20Mhz/40Mhz/80Mhz/160Mhz.

+Ưu điểm : Băng thông cao, độ trễ thấp, ít bị nhiễu kênh, hỗ trợ đa người dùng đồng thời (MU-MIMO). Vì vậy phù hợp với các dịch vụ yêu cầu độ trễ thấp như game online, stream video, các dịch vụ OTT…

+Nhược điểm : Tầm phù sóng hẹp hơn 2.4Ghz, một số thiết bị đời cũ hoặc đa số dòng camera an ninh IP không tương thích.

4. Một số công nghệ khi chọn mua thiết bị phát sóng wifi :

– MU-MIMO (Hiện chỉ hỗ trợ trên chuẩn Wifi AC/ AX) : Multi-User – Multiple Input – Multiple Output ( Công nghệ nhiều người dùng- nhiều đầu vào và nhiều đầu ra) . MU-MIMO cho phép bộ định tuyến WiFi giao tiếp với nhiều thiết bị giúp giảm thời gian mỗi thiết bị phải chờ tín hiệu và tăng tốc độ mạng lên.

– Beamforming : Beamforming là công nghệ giúp tập trung tín hiệu sóng Wi-Fi theo hướng client.

– Roaming : Hỗ trợ tự chuyển vùng sóng wifi khi di chuyển giữa các AP Wifi.

– Band steering : Cân bằng tải giữa băng tần 2,4GHz và 5GHz cho phép các thiết bị máy tính, smartphone thế hệ mới tự động kết nối đến băng tần phù hợp, cải thiện tốc độ truy cập mạng Wi-Fi.

II. LỰA CHỌN THIẾT BỊ PHÙ HỢP VỚI NHU CẦU :

1. Các loại thiết bị Wifi phổ biến :

– Router : là thiết bị định tuyến hoặc bộ định tuyến, là thiết bị mạng máy tính dùng để chuyển các gói dữ liệu qua một liên mạng và đến các đầu cuối, thông qua một tiến trình được gọi là định tuyến. Router thường là thiết bị DHCP Server, cấp IP cho các thiết bị trong mạng. Modem nhà mạng cấp thường là Router tích hợp Wifi.

– Access point (AP) : là một thiết bị tạo ra một mạng không dây cục bộ, hoặc WLAN. Thông thường, AP không cấp IP mà nó phải kết nối với Router, nhiệm vụ cấp IP là của Router còn AP chỉ phát sóng Wifi.

– Repeater : hay còn gọi là bộ lặp, có nhiệm vụ thu sóng wifi từ wifi gốc sau đó khuyếch đại tín hiệu.

– Mesh Wifi : là công nghệ wifi dạng lưới, gồm nhiều AP hoặc Router kết nối với nhau tạo thành 1 mạng lớn, có thể kết nối với nhau qua dây LAN hoặc sóng Wifi, hỗ trợ công nghệ roaming.

– Switch : chuyển mạch, mặc dùng không phát sóng wifi nhưng thiết bị switch giúp chia 1 cổng mạng (LAN port) thành nhiều cổng mạng.


2. Chọn loại thiết bị phù hợp với nhu cầu :

– Nhu cầu gia đình:

+ Nhà 1 tầng, cấp 4 diện tích nhỏ, ít user (4-5 thiết bị) : Hiện này các Router Wifi 2 băng tần đã rất rẻ vậy nên ưu tiên chọn thiết bị 2 băng tần, chỉ cần 1 router đặt ở vị trí giữa nhà là có thể đáp ứng nhu cầu game di động, lướt web, video call . (Một số dòng giá rẻ như Tplink Acher c20, tenda ac5,…)

+ Nhà nhiều tầng :

· Phương án đi dây LAN : Mỗi tầng 1 router (AP) 2 băng tần, đi dây LAN từ router chính đến mỗi router (AP). Hoặc có thể sử dụng Wifi Mesh cắm dây cho từng node để hỗ trợ roaming giữa các tầng không phải chuyển mạng wifi thủ công.

· Phương án không dây : Sử dụng Mesh Wifi đặt các node tại mỗi tầng là phương án tối ưu cho các gia đình không có hướng đi dây LAN những vẫn muốn 1 hệ thống wifi ổn định.

– Nhu cầu quán cà phê, kinh doanh ăn uống vừa và nhỏ :

+ Trường hợp này khuyên nên nhờ người có kinh nghiệm đến khảo sát thi công, nhưng mô hình đảm bảo nhất là trang bị router riêng + AP chịu tải riêng, AP hỗ trợ MU-MIMO càng tốt (thiết bị tham khảo cho quán cf 30 – 50 client là Vigor2925 + Unifi AC Pro).

III. PHƯƠNG PHÁP LẮP ĐẶT THIẾT BỊ WIFI PHÙ HỢP :

– Độ mạnh yếu của sóng Wifi trên thiết bị nhận được đo bằng chỉ số dbm, để đáp ứng từng nhu cầu công suất nhận phải nằm trong khoảng sau :

+ Phù hợp tất cả các dịch vụ : > – 50dbm.

+ Phù hợp call OTT, stream, download : > – 60dbm.

+ Phù hợp web, xem video SD, mail : > – 70dbm.

+ Không thể sử dụng ổn định : < -75dbm.

+ Với wifi mesh hoặc repeater, vị trí tối ưu để đặt node thứ 2 phải nhận được công suất > -68dbm băng tần 5Ghz từ node chính để bảo toàn băng thông.

*Lưu ý, với băng tần 2.4Ghz chuẩn b/g/n, do không có công nghệ MU-MIMO nên trong một thời điểm chỉ có 1 thiết bị được truyền dữ liệu trong 1 mạng wifi, các thiết bị khác phải chờ. Do vậy, chỉ cần 1 thiết bị trong mạng lỗi ping cao, hoặc đi xa ( < -75dbm) sẽ dẫn đến các thiết bị khác ping cao theo, dẫn đến chậm lag toàn mạng. Đây cũng là lý do hàng xóm xài ké mình bị yếu nhé, dù hàng xóm có 1 điện thoại.

– Cách đo sóng :

+ Các bạn có dùng các phần mềm trên điện thoại hoặc máy tính hỗ trợ hiển thị công suất nhận đo từng vùng sóng trong nhà để có hướng tăng số lượng hoặc di chuyển vị trí đặt bộ phát cho hợp lý.

+ Mình thường dùng app Net analyzer để đo đạc công suất nhận và dùng speedtest để đo tốc độ tương đối. Đồng thời, với băng tần 2.4Ghz có từ kênh 1-13 để các bạn lựa chọn, vùng nhiều sóng wifi bạn nên để độ rộng kênh 20Mhz và chọn kênh ít trùng nhất để hạn chế nhiễu.

– Qua bài viết phần nào có thể giúp các bạn hiểu căn bản về các thiết bị wifi, cũng như chọn thiết bị phù hợp với nhu cầu, phương pháp chọn vị trí lắp đặt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *